Tâm Sự Bản Thân Và Cơ Duyên Đến Với Con Đường Chữa Bệnh Cho Người, Cho Đời ( Phần 1)

Tin Tức 06-01-2023 by Chọn nhân viên quản lý (Mặc định)

Vài dòng mở đầu câu chuyện

 

Chào các bạn! Mình muốn viết bài này để nhìn lại những chặng đường đã qua, chặng đường đầy gian khổ chông gai nhưng cũng thấy đầy ắp niềm tự hào đối với bản thân vì mình đã vượt lên được chính mình. Được tôi luyện trong gian khó thì cuộc đời thêm được những bài học kinh nghiệm sống quý giá. Tại sao mình lại đam mê trên con đường chăm sóc sức khỏe chủ động? Mình nghĩ mọi sự hình như đã được sắp đặt từ trước và được dẫn dắt đi như một định mệnh! Mình muốn viết bài chia sẻ này không phải mục đích để đề cao mình hay phương pháp mà mình đã cho ra đời mà thấy rằng trải theo con đường cssk mình đã đi, thì ai được ứng dụng cũng đều thấy vô cùng phấn khởi, từ bệnh nhân tai biến, bại não, mất ngủ, tự kỷ đến bệnh xương khớp, tiêu hóa... đều cải thiện rất tốt, đặc biệt là phương pháp  rất đơn giản dễ thực hiện nên mọi người kể cả già hay trẻ đều có thể học và ứng dụng hiệu quả nên mình nghĩ rằng đó chính là món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng cho mọi người. Mình mong rằng mọi người ai cũng đón nhận được duyên lành.

Xuất thân và là sự giác ngộ nhờ một câu nói của bà cụ

 

Mình được sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại Quận Ba Đình Hà Nội. Bố mình trước đây tham gia kháng chiến cứu nước hai cuộc và chuyên lái xe chở lương thực và đạn dược ra chiến trường. Trong một lần, vì tình hình cấp bách nơi trận tuyến, bố mình đã xung phong lái thêm chuyến để kịp thời cung ứng cho chiến sĩ, và chuyến đó, bố mình đã bị máy bay Mỹ ném bom gần xe. Cả xe và người bị hất tung hết lên không trung, may mà Trời vẫn còn thương, không bị mất mạng. Nhưng từ đó, do ảnh hưởng của sức ép của bom, thần kinh của bố mình có vấn đề nặng, nghe mẹ mình kể lại thì biết bố mình đã có thời gian bị điên, rồi lẩn thẩn, về sau này khi anh em mình còn nhớ được thì bố mình nói rất nhiều, nói suốt ngày đêm, suốt ngày kể về “Đùng... đoành! Máy bay Mỹ bay đằng nọ, đằng kia...”, nói mà không cần biết người khác có muốn nghe hay không. Hệ lụy xảy ra từ chiến tranh không phải của riêng ai, chiến tranh mang đến sự mất mát đau thương cho cả các đất nước ở hai bên chiến tuyến.

Với gia đình mình thì gánh nặng gia đình 6 đứa con đổ lên vai mẹ, mẹ mình trước làm nhà máy ngói xi măng HN, làm công nhân với chất độc hại amiang và đãi ngộ thời bao cấp không đủ cháo nuôi các con. Ngày bấy giờ, thời buổi khó khăn thì đó là tình hình chung rồi, nhưng nhà mình thì khó khăn quá, nhìn chúng bạn hàng xóm, nó muốn gì có đấy, đồ ăn, quần áo, cặp xách, guốc dép... nhìn thấy chúng nó mà thèm, nhưng với mình thì những điều đó chỉ là mơ thôi, cháo ăn còn chưa đủ huống chi là  quần áo... Có lần, trường tổ chức cho học sinh đi ô tô thăm Lăng Bác. Mình hí hửng lắm vì đã được đi ô tô bao giờ đâu, dậy đi từ rõ sớm để đến tập trung ở trường, nhưng rồi cuối cùng, trong cả đoàn người đó, chỉ có mình bị rớt lại không được đi nữa vì lý do: quần áo bị... vá chằng vá đụp quá nhiều... nghẹn ngào như có cục gì chẹn lại ở cổ và nước mắt tuôn rơi nhìn theo đoàn ô tô từ từ lăn bánh đưa các bạn khuất dần đi trước mắt.... Mình đã có lỗi gì khi được sinh ra trên đời??? Mình còn nhớ như in, ngày 6 tuổi, mình đã nghĩ thương và tủi cho thân phận mình quá. Sẩm tối rồi mà như một bà cụ non ngồi trên bờ đê làng Vĩnh Phúc 1, quận Ba Đình HN. Ngồi đó mà đầu gục xuống đầu gối khóc thút thít, nỗi niềm thương thân trách phận chẳng biết bày tỏ cùng ai.

Bỗng nhiên, có một bà cụ quang gánh đi chợ về, thấy có con bé nhà nào giờ này chưa về mà còn ngồi thút thít ở đây, bà nghĩ là chắc có điều gì trắc ẩn nên bà dừng chân đặt quang và ngồi xuống bên mình và hỏi “Con cái nhà ai mà ngồi đây khóc thế này?”. Hic! Được lời như cởi tấm lòng! Mình khóc hu hu và kể lể với bà: “Bà ơi! Sao cháu khổ thế này, tại sao cháu lại được sinh ra trong gia đình này chứ??? Cháu muốn ăn cũng không có mà ăn, cháo được ăn no còn khó, muốn mặc cũng không có mà mặc... trong khi các bạn cháu muốn gì có đấy, cái quần của bạn cháu chỉ bị rách một tí do mắc phải đinh mà bạn ấy cũng không mặc nữa và cho cháu, mẹ cháu mạng lại một tí thì đã là niềm mơ ước của cháu rồi, sao nhà cháu khổ thế này...!”. Bà cụ đã vỗ về mình: “ Thôi con nín đi! Không ai giàu ba họ, ai khó ba đời cả con ạ! Chiến tranh để lại đau thương cho nhiều gia đình không riêng gì nhà cháu. Đông con vì không biết kế hoạch hóa gia đình làm cho cảnh đã nghèo lại càng nghèo hơn. Bố mẹ sinh các con ra, ai chẳng mong được gia đình đầy đủ sung sướng, nhưng không lo được đầy đủ cho các con, thì người đau khổ nhất không phải là các con đâu mà chính bố mẹ con mới là người khổ nhất vì lực bất tòng tâm.

Nhưng con ơi! Ăn ở có giời! Đức năng thắng số. Nếu mình làm được những điều tốt lành, giúp được ai cái gì có thể là mình cứ giúp sẽ tạo được Phúc lành đấy, có Đức thì mặc sức mà hưởng, hưởng cả đời không hết đâu con. Thôi nín đi con! Bà cho chuối này, con ăn đi rồi về nhà không tối rồi, bố mẹ không biết đi đâu lại lo lắng đi tìm nhé! Cố gắng lên con, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp!”. Mình đã cảm ơn bà, tay áo quyệt ngang nước mắt và đi về nhà. Bà thực sự như một bà tiên đã hiện ra dưới đời thường để chỉ lối cho mình.      

Cuộc trở mình từ trong suy nghĩ ra tới ngoài hành động

 

Mình đã được giác ngộ từ đó! Mình đã tự nhủ với lòng rằng “Từ nay trở đi, mình sẽ không bao giờ khóc trước khó khăn nữa! Khóc và khóc thì không bao giờ giải quyết được vấn đề! Nếu mình cứ ngồi than thân trách phận thì cuộc đời mãi mãi là u ám, sẽ chẳng có gì thay đổi. Không có việc gì khó, chỉ có làm bằng cách nào mà thôi. Cách này không được thì phải tìm cách khác, cuộc sống luôn phải suy nghĩ tích cực thì điều tốt lành mới tới được.

Mình thấy thương bố mẹ mình, thương bà mình và anh em mình hơn. Mẹ mình làm nhà nước không đủ nuôi sống đoàn tàu há mồm là 9 miệng ăn nên đã phải nghỉ việc ra ngoài tần tảo đi chợ bán buôn bán lẻ các loại rau. Thân gầy bé nhỏ mà mẹ mình hàng ngày cứ gánh gánh rau chất đầy ắp lên đến tận cổ quang, gánh từ cánh đồng Vĩnh Phúc 1 đến chợ Hàng Than, Hòe Nhai HN để bán buôn, hôm có tàu điện thì tàu điện gánh đỡ, hôm mất điện hoặc tàu trật bánh là lại đèo đẽo gánh đi. Thương mẹ, ngày được nghỉ, bảo mẹ làm cho một đôi quang nhỏ để con đi bán đỡ mẹ, và mẹ đã làm cho mình một đôi quang bé. Ôi trời! Mình gánh được mỗi bên có 12 mớ rau là đã trầy cả vai, mớ rau to như mớ mạ. Vậy mà, mẹ mình ngày này qua tháng khác kẽo kẹt... Một gánh nặng nữa lại đổ lên vai mẹ khi đứa em của mình khi 5 tuổi bị cảm mạo phong hàn, đi bệnh viện khám, chọc tủy xét nghiệm và em bị liệt luôn sau đó, mắt em không nhìn thấy gì nữa, người bị co rút cong keo như uốn ván.

Mình ngày bé hàng ngày đi học về là lại nhá cơm cho em ăn, rửa ráy, chăm chút vỗ về, và đến năm 9 tuổi em mình đã ra đi mãi... Nhớ có lần, mấy hôm mẹ ốm không đi chợ được, nhà chỉ còn có một bò gạo, anh em lại bảo nhau đi mót một rổ sảo rau muống về nấu nồi cháo to rồi sì sụp húp... Anh em mình, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đã nỗ lực làm mọi việc có thể để đỡ đần bố mẹ và gia đình, chẳng quản ngại ngùng, bé thì đi quét gạo ở kho gạo cửa hàng lương thực, lớn thì đi chợ bán hàng, kể cả bán kem que dạo ở các cổng trường học và ở chợ, làm tất cả những việc có thể để vơi đi phần nào gánh nặng cho mẹ. Ở trường, là học sinh nghèo, mặc dù đi học được các thầy cô và các bạn quyên góp ủng hộ mua tặng sách bút giấy vở, nhưng mình luôn là 1 trong 5 người tốp giỏi nhất lớp và là cán bộ của lớp, của trường. Khi đi họp phụ huynh học sinh, bố mẹ luôn được nở nang hãnh diện tự hào về con.

 

Ngày tháng cứ vậy dần trôi, sự nỗ lực của mẹ và sự giúp đỡ của các cô bác bạn chợ đã giúp anh em mình dần lớn lên. Mình đã đi học về kinh tế tài chính để mong rằng có công việc tốt để đỡ được gia đình...

Những dấu mốc cuộc đời

Năm 1990, mình xây dựng gia đình, trong khi đợi chờ đi làm kế toán như chuyên ngành mình theo học, gia đình nhà chồng thì cũng hoàn cảnh khó khăn, mình không thể ngồi đó mà chờ đợi, mình đã tạm thời làm các công việc như: Mùa hè thì bán chè đỗ đen, đỗ xanh; mùa đông thì bán bánh mì pa tê, rồi bán quẩy nóng theo nghề của chồng. Được cái là làm gì và bán gì đều rất đắt hàng vì mình rất giữ uy tín. Đồ ăn đều làm ngon, sạch sẽ và giá cả rất phải chăng.

Đang trôi chảy, mình lại bị họa vô đơn chí, bỏng toàn bộ mặt vì một cháu bé vê hai cục bột như hòn bi sứ thả vào chảo quẩy đang sôi, khi nó già, nó nổ tung lên thì mình bị lãnh đủ... Uih! Mặt mình lúc đó tệ lắm, không bút nào tả xiết, phù nề, thâm, đỏ, tuột da... chữa được cái mặt tàm tạm thì đã cạn tiền. Không làm quẩy nữa, và cũng không để mình chìm đắm trong nỗi buồn, mình đã chuyển sang làm cho thuê truyện. Mình gây dựng làm truyện được thời gian dài 15 năm, từ năm 1992 – 2007, từ chỗ lèo tèo có vài chục cuốn truyện và hai cái giá sách mà đi lên.

Làm được gần 3 năm thì một chuyện lớn lại ập đến với gia đình. Gia đình chồng mình cũng quá vất vả khi bố mẹ sinh ra được tám người con thì mất sáu người, một anh thì mất khi còn nhỏ, còn năm người toàn mất vì ung thư, anh thì ung thư phổi, chị thì ung thư đại tràng, anh thì ung thư gan, ngày GS Tôn Thất Tùng còn sống, ông đã phải mổ cho anh ấy 5 lần mà vẫn không cứu được mạng sống. Khi mình về đó thì trực tiếp vợ chồng mình phải lo giúp đỡ chị chồng bị ung thư đại tràng. Lo khám xét bao nhiêu bệnh viện mới ra bệnh ung thư đại tràng, từ chân đến mông đều phù hết, ăn vào toàn nôn ra. Chị đi làm ăn xa với bạn bè, đến khi bệnh nặng quá trở về thì đã ra nông nỗi thế rồi. Phẫu thuật tại BV Việt Đức xong, chị phải đi vệ sinh bằng hậu môn nhân tạo phía bên trái thành bụng, ở chỗ đó bác sĩ khoét một cái lỗ và phải làm một cái vòng 1 cây bạc đánh như cái khung thêu, lồng túi ni lông vào đó rồi đeo vào người. Khi đi vệ sinh thì sẽ đi bằng cái lỗ đó.

Bác sĩ dặn là nếu ổn thì 6 tháng sau sẽ phẫu thuật nối lại đại tràng, nhưng chưa đầy ba tháng, chị lại bị di căn, lên một khối u trong mắt phải nên đẩy lồi con ngươi mắt ra như một cái chén vại úp trên mắt, cổ thì bị phình lên khối u to tướng như cổ con ngỗng ăn no trếu diều, và khắp người nổi lên những cục u như hòn bi sứ, nằm thẳng, nằm nghiêng bên nào cũng đều đau đớn, tóc rụng thưa dần, mặt thì bị méo sẹo đi, đau đớn kinh khủng, mặc dù thuốc men bệnh viện cho như nào cũng không đỡ đau, và chị đã phải tiêm moocphin. Nếu ai chưa từng bị mất sức khỏe thì chưa thấy hết được sự quý giá của sức khỏe. Còn bản thân mình thì đã quá thấm thía rồi. Mình đã phải trông nom quá nhiều người bệnh, cảm thông với nỗi đau của người bệnh và thân nhân. Bản thân mình khi chăm chị chồng bị ung thư khi vào giai đoạn cuối, mình cũng bị suy nhược cả cơ thể, suy nhược cả thần kinh, ngất lên, ngất xuống không biết bao nhiêu lần, chỉ biết đến khi vào viện, tỉnh dậy thì mới biết là mình còn sống. Có lúc, thấy người như ngộp thở, cố hít căng lồng ngực mà vẫn thấy thiếu không khí, vội vàng lên xích lô vào bệnh viện Thanh Nhàn, leo lên giường cấp cứu chỉ nói được mỗi câu: “Chị ơi! Em không thở nổi! Ôi! Em không nhìn thấy gì nữa rồi!”.

Mắt mình tối sầm lại, lúc đó, mình chỉ nghe thấy tiếng bác sĩ hô lên “Trợ tim! Trợ tim!” và không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì đã thấy người nhà xung quanh mình. Nếu như, không có người cấp cứu kịp, hoặc không biết khi thấy người khang khác để vào viện thì có lẽ mình đã chết đến năm lần rồi. Ngày đó, mình đi khám nhiều nơi xem tại sao lại thế, bác sĩ điện não đồ, điện tim đồ thì bảo không sao, chỉ suy nhược thần kinh, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Mình đã uống rất nhiều thuốc Bắc, rồi tiêm H5000, rồi uống 3B, cứ được vài ngày lại lăn đùng ra, mắt tối sầm, người rụng tự do, lại đi cấp cứu. Chẳng biết làm thế nào, may quá, một lần khác đến chữa tại Bệnh viện Thanh Nhàn, gặp ca một ông bác sĩ có tuổi, nhiều kinh nghiệm, sau khi khám xong biết tình hình, ông mới hỏi: “Thế cháu bây giờ sống trong môi trường như thế nào? Gia đình ra làm sao?”. Mình mới kể sự tình là gia đình đang phải chăm sóc chị chồng bị như vậy, ông mới nói rằng: “À! Ra thế! Cháu đã bị tâm bệnh rồi cháu ạ! Chị cháu đã di căn khắp nơi như thế thì rồi cũng đến lúc phải ra đi thôi. Nhưng cháu sức khỏe đang như thế này mà cứ ở trong cảnh đó thì cháu có khi còn đi trước cả chị mình! Bây giờ, cháu cần cách ly đi chỗ khác một thời gian cho bình tâm lại đã thì mới ổn được, đấy là bác khuyên chân thành!”.

Và theo lời khuyên của Bác, mình đã lên nhà bà ngoại một tháng, chỉ uống có ba thang thuốc Bắc và tiêm ít B12 đo đỏ do ông lang Hùng gần nhà bà ngoại cắt và tiêm cho, thì sau 1 tháng đó mình đã lại sức, lên được 7kg và về nhà. Sau đó, bình tâm lại rồi thì đêm đêm mình vẫn dậy một mình để tiêm moocphin cho chị, khi chị bị nặng và biến dạng vậy thì chẳng có bác sĩ, y tá nào dám đến tiêm cả, và mình bấy giờ lại phải trở thành bác sĩ, tiêm cho chị, hết tiêm bắp, nhờn rồi lại phải đến tiêm ven, hết ven tay lại đến ven chân; chị lại còn bảo “Em tiêm còn đỡ đau, dễ chịu hơn cả bác sĩ tiêm!”. Cuối cùng, cầm cự được 6 tháng, ngày 10/8 dư, năm Ất Hợi 1995, chị đã ra đi mãi. Xót xa, người vẫn mất mà khoản tiền đi theo không nhỏ, vợ chồng mình đã phải cật lực làm 5 năm mới trả nợ hết được cả gốc và lãi vì dùng hết tiền của nhà rồi phải đi vay lãi để lo cho chị.

Tính tiền ngày đó phải bằng tiền làm cái nhà mình năm 1992, nhà 3 tầng 20m vuông, tốn kém như vậy đấy. Nói ra điều này không phải để kể công, mà để chia sẻ với các bạn là khi bệnh tật đến, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo thì hao tiền tốn của rất rất nhiều mà cũng không mua lại được mạng sống của mình. “SỨC KHỎE LÀ QUÍ GIÁ NHẤT”. KHI CÓ SỨC KHỎE LÀ CÓ TẤT CẢ, KHÔNG CÓ SỨC KHỎE LÀ KHÔNG CÓ GÌ. Nhiều người khi còn trẻ, cứ ra công ra sức đi kiếm tiền, bán kiệt quệ sức khỏe của mình để có được đồng tiền, nhưng đến khi có tuổi, khi bị bệnh, phải bỏ toàn bộ số tiền mình kiếm được để mua lại sức khỏe của mình cũng không xong, ăn chẳng được, chơi cũng chẳng xong, thành quả không hưởng được! Gìn giữ sức khỏe là cả một hành trình, chứ không phải chỉ là một số ngày hay một giai đoạn, cùng với việc làm ăn, sinh sống thì giữ sức khỏe phải luôn cần được quan tâm.

[Còn tiếp...]

(0) Bình luận “Tâm sự bản thân và cơ duyên đến với con đường chữa bệnh cho người, cho đời ( Phần 1)”

Bình luận

Nội dung *

Họ tên *

Email *

Đặt lịch NHẬN tư vấn trực tiếp 24/7
Đặt lịch NHẬN tư vấn trực tiếp 24/7
*
GỬI THÔNG TIN Chú ý : (*) Quý khách vui lòng không để trống
GỬI NGAY
Toàn bộ thông tin sẽ được bảo mật theo đúng quy định của pháp luật